TIME Studio chụp ảnh bằng gì?

Trong phần 1 của chuỗi bài viết về thiết bị này, Paratime Studio sẽ giới thiệu về những thiết bị thường mang theo các buổi chụp ngoài studio.

TIME Studio chụp ảnh bằng gì?

Bên cạnh việc xem portfolio, một số khách hàng còn muốn biết người chụp ảnh sử dụng thiết bị gì. Điều này đặc biệt cần thiết khi khách hàng có nhu cầu in ấn cỡ lớn hay có những yêu cầu khắt khe về kĩ thuật cũng như độ ổn định của thiết bị.

Trong phần 1 của chuỗi bài viết về thiết bị của TIME Studio (nay là Paratime Studio), tôi sẽ giới thiệu về những thiết bị nằm trong vali Pelican 1510SC thường được mang theo các buổi chụp ngoài studio.

1. Đèn flash Nissin Di700 và Godox V860II

Dù thích sử dụng ánh sáng tự nhiên, nhưng không phải lúc nào tôi cũng có đủ ánh sáng để chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh sự kiện hay chân dung. Đó là lí do đèn flash được xếp đầu tiên trong danh sách.

Trong những sự kiện lớn kéo dài nhiều giờ, tôi chỉ cần 4 viên pin Eneloop và một đèn Nissin để chụp hơn 1000 ảnh mà không bị lỡ đèn kiểu nào.

Đèn Godox chủ yếu dùng cho chụp chân dung ở ngoài studio. Trong một số trường hợp cần thiết, tôi sẽ mang theo tới 5 đèn flash.

2. Máy ảnh Canon 5DsR và ống kính 70-200 f2.8 IS II

5DsR là chiếc DSLR có độ phân giải cao nhất của Canon (50,6MP). Chiếc máy này cùng ống kính 70-200 chủ yếu được sử dụng cho chụp ảnh chân dung hoặc hỗ trợ cho Canon 5D mark III khi chụp ảnh sự kiện.

3. Máy ảnh Canon 5D mark III và ống kính 24-70 f2.8 II

Không chỉ đem lại chất lượng hình ảnh cao, Canon 5D mark III thực sự là một cỗ máy tiện dụng, bền bỉ và rất phù hợp với ảnh sự kiện. Còn ống kính 24-70 f2.8 II có dải tiêu cự tiện dụng, khẩu độ lớn và độ nét cao. Cặp đôi này khi kết hợp có thể đáp ứng đến 80% các tình huống khi chụp ảnh sự kiện.

Bên cạnh chất lượng hình ảnh, kích thước của là lí do để tôi chọn dòng 5D. Thân máy nhỏ gọn của 5D giúp tôi có thể mang theo hai máy trong cả ngày mà không cảm thấy quá nặng nề, vướng víu.

Việc sử dụng hai thân máy với hai ống kính kết thành dải tiêu cự từ 24 đến 200mm giúp tôi có thêm cơ hội bắt được các khoảnh khắc quan trọng. Hơn nữa, với hai thân máy, tôi vẫn tiếp tục chụp được nếu chẳng may có một chiếc gặp trục trặc.

Nhân tiện khi nói về rủi ro, cả hai chiếc 5D của tôi đều có khả năng sử dụng song song 2 thẻ nhớ (1 thẻ CF và 1 thẻ SD). Dù chưa bao giờ bị lỗi thẻ nhớ (tôi dùng thẻ Sandisk), nhưng tính năng này ít nhất cũng giúp giảm một nửa khả năng bị mất ảnh.

4. Máy đo sáng Sekonic L-470-U

Màn hình của máy ảnh số khiến cho những chiếc máy đo sáng đắt đỏ hiếm khi có cơ hội xuất hiện. Tôi chỉ sử dụng máy đo sáng khi chụp với nhiều đèn flash, đặc biệt là trong các trường hợp chụp nhóm đông người hay tính toán tỉ lệ độ sáng giữa các đèn – điều mà màn hình máy ảnh không thể đáp ứng tốt.

5. Trigger Godox X1-C

Đèn Godox có mức giá dễ chịu và trở nên dễ dùng hơn với trigger Godox X1-C. Với thiết bị này, tôi có thể thay đổi công suất đèn từ xa, vừa tiết kiệm thời gian, vừa không làm gián đoạn buổi chụp.

6. Đầu đọc thẻ nhớ Lexar

Mặc dù là một trong những đầu đọc thẻ nhớ đắt nhất nhưng bù lại tốc độ và sự ổn định của Lexar hoàn toàn xứng đáng với số tiền tôi đã bỏ ra. Ít nhất là sau 2 năm sử dụng, chiếc đầu đọc này chưa làm hỏng chiếc thẻ nhớ nào của tôi.

7. Ổ cứng di động Lacie

Trong những chuyến chụp ảnh dài ngày, đây là thiết bị không thể thiếu để sao lưu hàng trăm GB ảnh chụp.

8 & 9. Pin dự phòng cho máy ảnh và đèn

Mặc dùng có thể chụp trên 1000 ảnh với một viên pin nhưng nếu không có pin dự phòng, về cuối sự kiện bạn sẽ phải chụp một cách dè dặt trong tâm trạng bất an. Tệ hơn, sẽ là tai hoạ nếu bạn phải xin lỗi khách hàng vì hết pin.

10. Máy tính Macbook Pro 15″

Trong một số trường hợp, tôi mang theo máy tính để khách hàng chọn ảnh hoặc sao lưu ảnh. Chiếc máy này cũng đủ mạnh để giúp tôi Photoshop những bức ảnh 50MP một cách mượt mà.

11. Lược chải đầu

Cùng với giấy thấm dầu (không có trong ảnh), lược là đồ dùng hữu ích đến không ngờ trong những buổi chụp chân dung. Nếu không có lược, tôi có thể sẽ phải mất hàng giờ để “làm tóc” bằng Photoshop.

12. Bóng thổi bụi

Đây là phụ kiện hiếm hoi vẫn được dùng kể từ khi tôi mua chiếc máy ảnh số đầu tiên cách đây gần 10 năm.

13. Vali Pelican 1510SC

Tất cả những thiết bị trên sẽ nằm gọn trong chiếc vali kéo này. Tuy kích thước vừa đủ tiêu chuẩn để xách tay lên máy bay nhưng đừng bao giờ mua vé hàng không giá rẻ vì trọng lượng của riêng nó đã là hơn 6kg rồi. Nghe có vẻ bất tiện, nhưng thay vì phải đem thêm thang hoặc ghế, tôi có thể đứng ngồi/lên nó trước sự ngạc nhiên của nhiều người.

Một số dịch vụ chụp ảnh của Paratime Studio

Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: kinh nghiệm, Paratime Studio, thiết bị
Bài trước
Mấy lí do bạn nên dùng Smart Previews
Bài sau
Chụp ảnh sự kiện: 10 gợi ý để thành công