Ảnh LinkedIn: Cách để có tấm hình đạt chuẩn

Đầu tư vào bức ảnh profile LinkedIn sẽ tạo cơ hội cho hồ sơ của bạn có thêm nhiều lượt xem cũng như được đánh giá cao hơn.

LinkedIn profile photos by Paratime Studio

Ảnh LinkedIn: Cách để có tấm hình đạt chuẩn

LinkedIn là một mạng xã hội dành cho công việc, đặc biệt là kết nối tuyển dụng. Hồ sơ LinkedIn của bạn là một bản nhận diện số hoá và bức ảnh đại diện nhỏ bé sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định của đối tác và nhà tuyển dụng.

Theo nghiên cứu của LinkedIn, hồ sơ có ảnh (chân dung) sẽ có khả năng được xem nhiều gấp 14 lần so với những hồ sơ không có ảnh. Đó là cơ hội đầu tiên giúp bạn có được ấn tượng tốt hay không.

Nếu bạn đã có một bức ảnh do nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực hiện, cơ hội này sẽ tăng lên đáng kể. Nhiếp ảnh gia biết cách sử dụng ánh sáng để giúp bạn trông ưa nhìn hơn và tìm ra góc chụp tốt nhất để bức ảnh bộc lộ được phong thái của bạn.

Cũng theo LinkedIn, chi phí cho một bức ảnh như vậy (ở thị trường Mĩ) là vào khoảng từ 200 đến 400 đô-la. Thật may là ở Việt Nam, cụ thể là Paratime Studio, mức giá chỉ bằng 1/10.

Nhưng nếu vẫn còn đắn đo về việc bỏ ra số tiền tương ứng với khoảng một (nửa) ngày lương, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để có được bức ảnh hồ sơ LinkedIn đạt tiêu chuẩn.

1. Chân dung trông phải giống bạn

Điều này nghe thật hiển nhiên nhưng hẳn là bạn từng gặp nhiều người mà trông họ không giống lắm so với ảnh đăng trên mạng. Có thể là do họ dùng ảnh cách đây cả thập kỉ hoặc cũng có thể do họ lạm dụng phần mềm chỉnh sửa.

Bức ảnh không chỉ cần giống ở khuôn mặt mà còn là kiểu tóc và phong cách ăn mặc. Vì thế, nếu bạn có sự thay đổi đáng kể vẻ ngoài thì nên chụp ảnh mới.

2. Trang phục cũng thể hiện con người bạn

Bạn có thể chọn trang phục đi làm thường ngày hoặc bộ cánh mà bạn sẽ chọn khi lần đầu gặp đối tác quan trọng hay lúc đi phỏng vấn. Không ăn mặc xuề xoà nhưng cũng đừng nên “diện” quá.

Dù nhiều hay ít, trang phục tự nó nói lên một phần nào về con người bạn. Vì thế, lựa chọn trang phục là việc nên được cân nhắc.

3. Thể hiện biểu cảm phù hợp

Một nụ cười thân thiện sẽ dễ tạo ấn tượng tốt hơn so với một khuôn mặt lạnh lùng. Đối tác sẽ có “cảm tình” hơn với những bức chân dung có biểu cảm vui vẻ, ấm áp.

Tất nhiên nụ cười không có nghĩa (và cũng không nhất thiết) là bạn chỉ việc khoe hết cả 10 chiếc răng. Điều quan trọng là bạn phải thể hiện được niềm vui trong đôi mắt của mình.

Còn nếu thương hiệu của bạn hoặc đối tác của bạn đề cao sự nghiêm nghị thì bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn biểu cảm phù hợp.

Nhưng dù là không thể hoặc không muốn cười, dù chỉ là cười bằng mắt, thì cũng nên tránh tỏ ra quá lạnh lùng và cứng nhắc. Và quan trọng hơn cả là luôn thể hiện phong thái của mình.

Trong trường hợp bạn không quen hoặc cảm thấy không tự tin thì nên dành thời gian tập trước gương.

4. Bố cục cho bức ảnh hồ sơ LinkedIn

Ảnh tải lên LinkedIn sẽ được cắt vuông và hiển thị ở dạng tròn. Ở nhiều vị trí, ảnh của bạn đôi khi trông rất bé, vì thế bạn nên để khuôn mặt chiếm khoảng 40% – 60% chiều cao khung hình. Tức là cắt từ ngang ngực trở lên.

Một số chị em sợ rằng nếu để “gần” như thế thì mặt trông sẽ bị to. Đúng là vậy. Nhưng nếu biết lựa chọn phông nền, ánh sáng và tìm ra góc nghiêng thần thánh sẽ giúp bạn “giảm cân” hiệu quả mà không phải dùng phần mềm nắn bóp đến mức biến dạng.

5. Chọn phông nền không gây rối mắt

Đối tượng duy nhất cần được chú ý trong bức ảnh chính là bạn chứ không phải bối cảnh xung quanh. Vì thế, đa phần mọi người đều lựa chọn phông nền một màu hoặc có hoạ tiết đơn giản để tránh gây mất tập trung. Cách dễ nhất là bạn chọn một mảng tường có khoảng trống đủ lớn.

Nếu bạn cảm thấy phông nền như vậy trông có vẻ hơi đơn điệu thì cũng đừng lo. Ngoài ảnh profile thì LinkedIn còn có ảnh bìa (cover) để bạn thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình.

Kết hợp ảnh chân dung với ảnh bìa
Một ví dụ về kết hợp ảnh chân dung có phông nền tối giản với ảnh bìa

6. Chụp ảnh với ánh sáng mềm mại

Trong nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố tác động rất nhiều tới cảm xúc của người xem.

Nếu chụp ảnh trong nhà, ánh sáng của đèn điện có thể gây ra những hiệu ứng màu sắc không mong muốn hoặc gây đổ bóng ở hốc mắt. Còn đèn flash hoặc đèn led chiếu thẳng sẽ dễ khiến cho da bạn bị loá và nhờn bóng. Tương tự, nếu chụp ngoài trời, bạn cũng nên tránh chỗ có nắng to hoặc ngược sáng.

Ánh sáng mềm mại, ví dụ như khi đứng cạnh cửa sổ lớn, sẽ giúp khuôn mặt của bạn trông vừa tự nhiên vừa rạng rỡ và bắt mắt hơn.

Khi sử dụng ánh sáng tự nhiên, bạn sẽ bị phụ thuộc vào thời tiết và cả thời điểm chụp. Để chọn được nơi có ánh sáng và phông nền phù hợp đôi khi bạn phải xem ngày và chọn giờ nữa đấy.

7. Không selfie

Ở những mạng xã hội khác như Facebook thì selfie là chuyện hết sức bình thường. Nhưng với LinkedIn thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Bức ảnh “tự sướng” ngay lập tức tố cáo rằng bạn đã không đầu tư nghiêm túc cho công việc của mình.

Hơn nữa, trong bức ảnh do người khác chụp, bạn trông sẽ tự nhiên hơn với góc nhìn giống như khi người khác vẫn nhìn bạn.

Vì thế, sau khi đã chuẩn bị những bước trên, hãy nhờ bạn bè, đồng nghiệp chụp giúp mình. Và nếu may mắn nhờ được người biết chụp ảnh thì khả năng có được bức ảnh đạt chuẩn sẽ nhiều hơn đáng kể.

Giá trị của bức ảnh LinkedIn đẹp

Đầu tư vào bức ảnh profile LinkedIn sẽ tạo cơ hội cho hồ sơ của bạn được xem nhiều hơn và được đánh giá cao hơn. Bức ảnh được bo tròn đấy sẽ cho đối tác, nhà tuyển dụng không chỉ biết bạn trông ra sao mà còn là người thân thiện, cởi mở và đáng tin như nào.

Dù đây mới chỉ là bước đầu tiên để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn trên LinkedIn hay bất kì hồ sơ năng lực nào, nhưng nó sẽ giúp bạn thực sự nổi bật giữa các ứng viên khác. Giá trị mà bức ảnh đem lại vì thế sẽ lớn hơn rất nhiều so với thời gian, công sức và tiền bạc mà bạn đã bỏ ra.


Phạm Thành Long là một người chụp ảnh thương mại và tư liệu ở Hà Nội. Anh đã có kinh nghiệm làm việc với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng cùng khách hàng xây dựng một thư viện hình ảnh để doanh nghiệp có thể khai thác trong nhiều năm.

Chuyên mục: Dành cho Khách hàng
Từ khoá: chân dung chuyên nghiệp, headshot, hồ sơ, mạng xã hội
Bài trước
Chọn ảnh bằng phần mềm XnViewMP
Bài sau
Paratime Studio là tên mới của TIME Studio