Kinh nghiệm chuẩn bị cho chụp ảnh chân dung tại địa điểm

Thiếu một thiết bị quan trọng là bạn sẽ gặp rắc rối to. Nó không chỉ làm buổi chụp bị gián đoạn mà còn làm mất thời gian quý giá của khách hàng.

Kinh nghiệm chuẩn bị cho chụp ảnh chân dung tại địa điểm

Chụp ảnh chân dung nghề nghiệp tại văn phòng của khách hàng luôn là một trong những việc mà tôi phải chuẩn bị kĩ lưỡng nhất. Dù là một buổi chụp chỉ kéo dài nửa tiếng hay cả ngày thì vẫn phải mang theo gần như từng đó thiết bị và mất từng đó thời gian tháo lắp. Mỗi lần đi chụp là tôi lại phải đối mặt với một số vấn đề nhất định và dưới đây là một số sợi dây kinh nghiệm mà tôi đã rút ra được.

1. Lên danh sách thiết bị

Điều này là hiển nhiên nhưng cũng cực kì quan trọng. Thiếu một thiết bị quan trọng (như trigger chẳng hạn) là bạn sẽ gặp rắc rối to. Nó không chỉ làm buổi chụp bị dừng lại mà còn làm mất thời gian quý giá của khách hàng.

Danh sách của tôi có khoảng 30 món đồ. Tuy không phải lần nào cũng phải mang đi hết nhưng nếu có danh sách kiểm tra thì sẽ chắc ăn hơn. Vì dù trí nhớ có tốt đến mấy thì cũng không loại trừ có lúc bị nó phản bội. Trước đây tôi phải in ra, còn bây giờ thì tôi dùng ứng dụng Checklist+.

Các thiết bị được “đóng gói” và “điểm danh” nhiều giờ trước khi đi để tránh tâm lí vội vã dẫn đến bỏ sót.

2. Đóng gói cẩn thận

Càng di chuyển nhiều thì khả năng bị va đập càng cao. Vì thế, thiết bị không chỉ được đóng gói đầy đủ mà còn phải được bảo vệ chắc chắn.

Tôi dùng Pelican để đựng máy ảnh, ống kính, máy tính, ổ cứng, đèn flash dự phòng. Bộ đèn chính, dây USB, băng dính, kẹp thì được đựng trong một túi Lowepro có lớp đệm dày. Softbox và ô được cho vào túi riêng. Các loại chân máy, chân đèn được cho vào một túi. Riêng chiếc chân có bánh xe thì được để riêng vì không có túi nào vừa. Tất cả các thiết bị này, gồm cả phông giấy khổ 1,35m được chất lên chiếc xe đẩy RocknRoller R6.

Xe đẩy RocknRoller là một trợ thủ đắc lực khi mình tôi phải mang một khối lượng lớn thiết bị. Hơn thế nữa, nó có thể gấp gọn được để cho vào cốp xe hoặc trở thành chiếc bàn làm việc ngay tại địa điểm chụp.

3. Chuẩn bị đồ dự phòng

Máy ảnh, ống kính, đèn, trigger là những thứ không thể thiếu. Khi chụp tại địa điểm ngoài studio của mình, nếu có thiết bị gặp lỗi, bạn cần phải có đồ thay thế ngay lập tức. Ngoài đồ dự phòng cho những món không thể thiếu kia, tôi còn mang thêm các loại pin, thẻ nhớ, dây USB, và thậm chí là cả sạc pin nếu như buổi chụp kéo dài cả ngày.

4. Sẵn sàng cho những tình huống khó khăn

Thông thường, tôi sẽ đề nghị khách hàng chuẩn bị sẵn một phòng trống có diện tích 3×4 mét trở lên. Tuy nhiên, đôi khi khách hàng ước lượng kích thước không chính xác hoặc căn phòng đó bị người khác dùng mất nên thực tế tôi sẽ phải dùng không gian nhỏ hẹp hơn. Vì thế, nếu chỉ đem ống kính 70-200 thì rất có thể tôi sẽ không chụp được khung hình như mong muốn.

Dù chủ yếu chụp với đèn dùng pin, nhưng đôi khi tôi cũng phải sử dụng đèn dùng điện. Trong những lần như vậy, tôi luôn mang theo ổ cắm nối dài để đề phòng trường hợp thiếu ổ cắm hoặc ở quá xa nguồn.

Khi tất cả các phòng đều đã kín thì phải chụp ngoài sảnh hoặc thậm chí là ngoài sân như thế này.

5. Đi lại và vận chuyển

Với khối lượng thiết bị nặng vài chục cân, được chia thành nhiều túi, tôi thường phải đi ô tô hoặc taxi. Chưa kể đến chuyện tắc đường thì việc không có chỗ đỗ xe gần hoặc không gọi được taxi cũng có thể khiến tôi bị đến muộn.

Rất nhiều toà nhà văn phòng còn yêu cầu tôi phải làm thủ tục đăng kí thiết bị đem vào. Hoặc như TNR Nguyễn Chí Thanh thì tôi phải gọi điện cho nhân viên thang máy chở hàng để được đi. Nếu gặp phải giờ cao điểm thì tôi chỉ còn cách là đứng đấy mà chờ cả tiếng đồng hồ (rất may là tôi chỉ gặp tình huống này sau khi đã chụp xong).

Vì thế, tìm hiểu trước về đường đi, thủ tục ra vào và đi sớm giúp tôi hạn chế được việc trễ hẹn và những căng thẳng không đáng có.


Phạm Thành Long là một người chụp ảnh thương mại và tư liệu ở Hà Nội. Anh đã có kinh nghiệm làm việc với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng cùng khách hàng xây dựng một thư viện hình ảnh để doanh nghiệp có thể khai thác trong nhiều năm.

Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: chân dung chuyên nghiệp, corporate portrait, kinh nghiệm, thiết bị
Bài trước
Giá trị và Chất lượng của hình ảnh
Bài sau
Dự án ảnh tư liệu “Bộ tứ siêu đẳng”