Ống kính bị “mù” vì đọng hơi nước thì phải làm sao?

Những hạt nước nhỏ li ti bám trên bề mặt cùng với hiện tượng khúc xạ sẽ làm “mù” ống kính của bạn.

Sau nhiều giờ ngồi trên chiếc xe chạy điều hoà mát lịm, Phong bước ra ngoài và rút máy ảnh để chụp lại cảnh đẹp trước mắt. Nhưng những gì Phong thấy qua ống kính là một khung cảnh mờ mờ. Ban đầu Phong tưởng là bị sai nét nhưng rồi nhanh chóng phát hiện ra là ống kính và cả khe ngắm bị đọng hơi nước.

Phong lấy khăn ra lau nhưng lập tức lại có hơi nước xuất hiện trên bề mặt kính. Và phải mất một lúc thì hiện tượng này mới chấm dứt hẳn.

Còn với Thanh, chuyện tương tự cũng xảy ra sau khi anh chụp ảnh hàng giờ trong phòng họp bật điều hoà lạnh và bước ra ngoài hành lang nóng nực. Thật không may là sự cố này đã khiến Thanh bỏ lỡ một số khoảnh khắc quan trọng.

Vấn đề mà Phong và Thanh gặp phải liên quan đến một hiện tượng vật lí có tên là ngưng tụ.

Cơ chế của hiện tượng ngưng tụ

Có thể bạn thừa biết là hiện tượng ngưng tụ phổ biến nhất là mưa và kế đến chắc là chưng cất rượu.

Theo sách giáo khoa (lớp mấy không rõ), trong không khí có hơi nước và được tính theo độ ẩm tuyệt đối hoặc độ ẩm tương đối. Khi đạt đến 100% thì người ta gọi là mức bão hoà. Độ ẩm vượt mức bão hoà sẽ gây ra hiện tượng ngưng tụ, tức là chuyển từ thể khí sang thể lỏng. Nhiệt độ không khí ảnh hưởng tới khả năng bão hoà, nôm na thì nhiệt độ không khí càng cao thì không khí càng chứa được nhiều hơi nước hơn, tức là khó ngưng tụ hơn.

Vào mùa hè ở miền Bắc, độ ẩm không khí rất cao (thường trên 90%), những hôm trời nồm thì có thể đạt mức bão hoà.

Máy ảnh để trong phòng đủ lâu thì nhiệt độ của nó sẽ bằng nhiệt độ của phòng. Mức chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng có thể lên tới hàng chục độ. Độ ẩm trong phòng cũng thấp hơn nhiều so với bên ngoài. Vì thế khi bạn bước ra khỏi phòng mà để máy ảnh tiếp xúc trực tiếp với không khí có độ ẩm gần bão hoà thì nhiệt độ không khí bao quanh bề mặt máy ảnh cũng bị giảm xuống và dẫn tới hiện tượng ngưng tụ. Những hạt nước nhỏ li ti bám trên bề mặt cùng với hiện tượng khúc xạ sẽ làm “mù” ống kính của bạn.

Nếu bạn lau nước đi thì do vẫn có sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể nên không khí vẫn bị làm lạnh và hơi nước tiếp tục ngưng tụ. Bạn phải đợi đến khi nhiệt độ của máy ảnh gần bằng nhiệt độ của môi trường thì mới hết hiện tượng này. Ống kính càng to thì càng bị lâu.

Đề phòng ống kính bị “mù”

Điều đầu tiên là bạn không nên để máy ảnh bị lạnh. Nếu ở trên ô tô như Phong thì nên đặt nhiệt độ điều hoà vừa phải và để máy ảnh ở nơi có nhiệt độ cao. Còn ở trong phòng như Thanh thì nên tránh chỗ có điều hoà thổi trực tiếp và thỉnh thoảng nên cầm máy ra khỏi phòng một lát.

Tránh di chuyển đột ngột từ nơi khô lạnh sang nơi nóng ẩm. Nếu có thể thì bạn nên để máy một lúc ở khu vực trung gian giữa hai vùng. Ví dụ như mở hé cửa chẳng hạn.

Nếu không kiểm soát được nhiệt độ thì bạn phải hạn chế bề mặt ống kính tiếp xúc trực tiếp với không khí nóng ẩm. Ví dụ như là đậy nắp ống kính và cho vào túi/ba lô trước khi ra khỏi phòng và đợi một thời gian cho cân bằng nhiệt độ thì mới bỏ ra.

Trong trường hợp của Thanh ở trên, để tránh bị lỡ khoảnh khắc thì tốt nhất là nên chủ động ra khỏi phòng trước một vài phút.

Ngoài ra, nếu có điều kiện thì bạn nên mua kính lọc UV loại tốt. Có vẻ như nó có lớp chống mù (anti-fog) gì đó, tuy không chống hoàn toàn được nhưng nó cũng làm giảm đáng kể thời gian ống kính bị “mù”.

Xử lí khi gặp sự cố

Trường hợp của Phong sẽ khó xảy ra nếu như trời có nắng. Nhiệt độ cao sẽ làm nước bị bốc hơi ngay lập tức và nhiệt độ của máy ảnh cũng nhanh chóng cân bằng với môi trường. Vì thế, khi gặp sự cố này, hãy tìm nơi có nắng và cả gió để nhanh chóng khắc phục.

Còn nếu ở trong nhà và không có thời gian để xử lí như Thanh thì khả dĩ nhất có lẽ là dùng khăn lau rồi chụp ngay. Dùng vạt áo có khi cũng không kịp đâu, mà lại có thể làm xước kính lọc.

Nếu bạn thường xuyên làm việc trong môi trường có độ ẩm cao và chênh lệch nhiệt độ lớn thì nó không chỉ gây phiền hà như trên mà còn có thể làm giảm tuổi thọ, thậm chí là làm hỏng máy. Ngoài tủ chống ẩm ở nhà, khi đi dài ngày, bạn nên bảo quản máy bằng cách bọc kín máy trong túi nilon kèm theo hạt hút ẩm.

Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: kinh nghiệm, thiết bị
Bài trước
Ảnh CV: Làm sao để “ăn điểm” của nhà tuyển dụng?
Bài sau
Tạo ảnh 3D cho Facebook từ ảnh bình thường